Thị trường bất động sản nan giải vì thủ tục
Sự khó khăn trong thủ tục triển khai đầu tư các dự án bất động sản khiến nguồn cung trên thị trường Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội sụt giảm rõ rệt và đang có dấu hiệu kéo dài.
Theo số liệu thống kê, trong nửa đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại được cấp phép tại Tp. Hồ Chí Minh; Hà Nội nhỉnh hơn với 6 dự án nhưng cũng rơi vào tình huống giảm mạnh so với cùng kỳ 2018. Điều này cho thấy sự nhỏ giọt của các sản phẩm được bung ra thị trường. Lý giải về sự trầm lắng này, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng đây chính là hệ quả của quá trình tăng cường rà soát pháp lý dự án và thắt chặt tín dụng bất động sản.
Nhà đầu tư vụt mất cơ hội
Trái với quan điểm ở trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest lại cho rằng chính thủ tục hành chính, hành lang pháp lý mới là nguồn cơn của sự bế tắc. Ông cho biết, dự án làm thủ tục xong rồi, nhưng luật thay đổi nên xem như phải bắt đầu lại vì các khái niệm đã không còn cách hiểu như trước. Thời gian cấp chứng nhận thủ tục đầu tư cũng phải đến 3 năm mới hoàn thành, thủ tục hành chính thì rối ren, phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp muốn bỏ cuộc giữa chừng.
Sự quá tải trong giải quyết hành chính cùng với thiếu thống nhất trong các văn bản luật áp dụng khiến cho quy trình dự án cứ thế kéo dài đằng đẵng. Chính cách quy định nhập nhằng, thậm chí có phần mâu thuẫn, chồng chéo nhau đã lấy đi không ít cơ hội của các nhà đầu tư.
Bất cập lớn trong hành lang pháp lý
Bàn về sự ách tắc thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án nhà ở thương mại, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM trích dẫn, mặc dù đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố, nhưng doanh nghiệp không được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, do khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị quy định "chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư", trong khi khoản (8.a) Điều 33 Luật Đầu tư quy định ghi tên nhà đầu tư trong "Quyết định chủ trương đầu tư" dự án nhà ở đã được giải phóng mặt bằng.
Ông Châu cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2019, Tp.HCM chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố công nhận chủ đầu tư, giảm 16 dự án (giảm 84,2%). Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại (mới), giảm 46 dự án (giảm 82,2%); chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, giảm 10 dự án (giảm 29,4 so với cùng kỳ năm 2018. Đáng nói là các dự án bình dân, phù hợp tài chính với phần đông người dân lại cực kỳ khan hiếm; cư dân có thu nhập trung bình ngày càng khó khăn trong thuê, mua nhà tại thành phố.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, rủi ro rất lớn, thậm chí là có nguy cơ phá sản. Hệ quả khiến nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường bất động sản, từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế cũng bị sụt giảm lớn.
Doanh nghiệp trước khó khăn về thủ tục cũng quay lưng dần với địa phương, làm mất đi những cơ hội lớn để thay đổi diện mạo. Trong khi đó, với chính quyền địa phương, vướng mắc sẽ làm chậm tiến trình phát triển kinh tế, phát triển đô thị, nếu không nhanh chóng có các động thái nhằm tháo gỡ những bế tắc hiện thời thì thị trường bất động sản sẽ ngày càng cạn kiệt và ảm đạm.
Xem thêm:
Nhận xét
Đăng nhận xét